CANH TÁC BỀN VỮNG VẤN ĐỀ
QUAN TRỌNG CHO MÔI TRƯỜNG ĐẤT
TS. Lâm Văn Hà
Hoạt động
canh tác nông nghiệp đã có từ lâu đời đối với loài người, cuộc
cách mạng nông nghiệp (vào thời kỳ đồ đá mới: Neolithic Revolution),
bắt đầu từ khoảng 8000 năm TCN, sự phát triển của nông nghiệp đã tạo ra thay
đổi mạnh mẽ phương thức sống của con người. Cuộc cách mạng nông nghiệp là mốc dấu thay đổi lịch sử loài người,
con người bắt đầu tìm ra phương pháp làm nông nghiệp với những cây trồng trong tự nhiên và động vật thuần hóa từ
hoang dã. Sự tăng trưởng của nông nghiệp dẫn đến việc con người chuyển dần từ lối sống du
cư sang định
cư lâu dài. Lối sống du cư vẫn duy trì tại nhiều nơi khác, đặc biệt tại những
vùng lãnh thổ bị tách biệt do tự nhiên với vài loài súc vật và thực vật. Nông
nghiệp cho phép tập trung dân số dày hơn, theo
thời gian nó chuyển biến thành các thành bang. Sự phát triển nông nghiệp cho
phép tạo ra các thành phố đầu tiên. Đây là các trung tâm thương mại, sản
xuất thủ công và quyền lực chính
trị mà bản thân nó gần như không có sản xuất nông nghiệp. Ngày nay con người bằng trí tuệ của mình đã cải tiến
việc chăn nuôi trồng trọt thành những ngành nghề phổ biến trong xã hội và đem lại
thu nhập cũng như đáp ứng nhu cầu lượng thực thực phẩm và thị hiếu của mình. Bằng
những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đặc biệt là ngành công nghệ sinh học đã
giúp cho con người khai thác và cải tiến vốn gen của các loài động thực vật tạo
ra các giống mới, khai thác các nguồn tài nguyên đất đai trước đây cho là đất
không canh tác được (đất nhiễm mặn, đất bán sa mạc, đất phèn,…) đã cải tạo trở
thành đất canh tác và cho ra các loại nông sản đặc sản. Bằng tiến bộ của khoa học
kỹ thuật con người đã áp dụng sản xuất các loại phân bón thông minh giúp cây trồng
sinh trưởng tốt cho năng suất cao và áp dụng các công nghệ thông tin vào canh
tác nông nghiệp (công nghệ 4.0). Nhưng khoa học kỹ thuật có phát triển đến đâu
có nhanh và hiện đại thế nào thì canh tác trồng trọt luôn cần đất và đất là tư
liệu sản xuất không thể thay thế của ngành trồng trọt. Nhưng khoa học kỹ thuật có phát triển đến
đâu có nhanh và hiện đại thế nào thì canh tác trồng trọt luôn cần đất và đất là
tư liệu sản xuất không thể thay thế của ngành trồng trọt. Do vậy, việc khai
thác sử dụng đất trong canh tác nông nghiệp luôn cần được quan tâm để đảm bảo
cho sự phát triển bền vững. Sự bền
vững này thể hiện ở các mặt sau: Bền vững về môi trường, trong đó có môi trường
đất, môi trường nước và môi trường không khí. Bền vững về năng suất và chất lượng
nông sản. Bền vững về thu nhập của người dân và sự phát triển của xã hội. Vì vậy
để tiến đến một nền nông nghiệp bền vững cho hiện tại và trong tương lai, các nhà khoa học cũng như nhà quản lý luôn tìm
kiếm và ứng dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp bền vững như:
canh tác hữu cơ, canh tác sinh học, canh tác thông minh hay là nông nghiệp sinh
thái,… Tất cả các vấn đề trên đều hướng đến cho môi trường canh tác được bền vững tạo
ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và hạn chế mức thấp nhất tác động gây ô
nhiễm môi trường.
Trong
canh tác bền vững thì môi trường đất luôn được quan tâm hàng đầu bởi vì tất cả
các vấn đề của cây trồng có sinh trưởng phát triển tốt hay không nó bắt đầu khoảng
50% từ môi trường đất, do vây một số nhà khoa học đất có câu “Đất khoẻ - Cây
khoẻ - Tăng năng suất, chất lượng – Tăng thu nhập – Sức khoẻ tốt”. Bởi vì đất
là giá đỡ của cây, là nơi cung cấp các chất dinh dưỡng và nước cho cây trồng
sinh trưởng và phát triển.
Trong
môi trường đất có 2 thành phần chính: thành phần vô cơ và hữu cơ tạo nên sinh
thái môi trường đất rất quan trọng cho vấn đề sinh trưởng phát triển của cây.
Hai thành phần trên đã tạo nên các tính chất của đất: Vật lý, hoá học và sinh học
đất, các tính chất này trong sinh thái môi trường đất chúng tác động qua lại với
nhau theo một chu trình kép kín trong hệ sinh thái đất bằng các phản ứng sinh
hoá diễn ra rất phức tạp trên bề mặt và trong đất đã tạo cho đất ở các vùng,
các khu vực có các tính chất khác nhau (độ phì nhiêu tự nhiên khác nhau). Dưới
tác động canh tác của con người bằng các biện pháp kỹ thuật như: cơ giơi hoá, hoá
học hoá hay sinh học hoá đã làm cho các tính chất tự nhiên vốn có của đất trồng
trọt bị thay đổi có thể là tốt lên hay xấu đi, nhưng hiện nay áp lực thâm canh
của con người đã làm cho chất lượng đất giảm đi có thể nói là làm cho đất bị
suy thoái, mất sức sản xuất, làm ô nhiễm môi trường đất. Chính vì thế việc khai
thác sử dụng đất sau một thời gian dài con người cần phải có ý thức đánh giá
các thành phần trong đất, để biết được chất lượng đất của khu trang trại,
khoanh đất nhà mình đang diễn biến như thế nào các thành phần vật lý, hoá học
và sinh học biến đổi ra sao là điều rất quan trọng cho việc tạo chế độ canh tác
bón phân cân đối và hợp lý để cải tạo và duy truỳ độ phì nhiêu của đất.
Đối với
đất trồng trót chỉ tiêu quan trong hàng đầu phải quan tâm đến đó là độ pH đất,
tiếp đến là hàm lượng chất mùn và các chất dinh dưỡng đa trung vi lượng và cuối
cùng là các độc tố (các nguyên tố giưới hạn của cây trồng).
Độ pH đất: Theo
Colemen (1959), Jeny (1961) cho rằng, H+ là nguồn chính
gây ra độ chua của đất, về sau Nguyễn Vi và Trần Khải (1978) cho rằng có sự
đóng góp tích cực của Al3+ trong thành phần của độ chua trao đổi và
độ chua tiềm tàng. Như vậy độ chua của đất do nồng độ H+ trong dung
dịch đất là chính. Độ chua đất được biểu thị bằng trị số pH là logarit đổi dấu
của nồng độ ion H+ trong dung dịch đất. Mỗi loại cây trồng thích
nghi với một giá trị pH nhất định và ở giá trị pH đó cây trồng sinh trưởng phát
triển tối ưu. Như cây cà phê thích hợp với pH từ 5,5 đến 6,5.
pH đất là một yếu tố chính rất quan trọng trong
đánh giá độ phì của đất, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất lý, hóa và sinh
học đất.
Theo
Lê Văn Căn (1978), những nghiên cứu về phản ứng của đất với phân bón, hoạt động
của vi sinh vật và độ phì nhiêu đất là rất quan trọng trong môi trường đất. Phản
ứng của môi trường đất ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại, hoạt động sống và phát
triển của các sinh vật trong đất. Tìm hiểu một cách sâu sắc phản ứng của đất,
không những chỉ có ý nghĩa về lý luận với những người làm công tác khoa học mà
còn có ý nghĩa rất lớn đối với thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Trong môi trường
kiềm việc hút cation mạnh hơn anion, còn trong môi trường axít thì ngược lại.
Như môi trường axít hóa độ linh động của Al, Mn, Fe lại tăng đến mức có thể gây
độc cho cây. Theo Lê Huy Bá (1982), đất phèn đồng bằng sông Cửu Long chứa nồng
độ Al3+ từ 150 – 3000ppm, đây là cation độc nhất trong các độc chất
của sinh thái môi trường đất đối với bộ rễ cây trồng. Ngược lại, trong môi trường
kiềm độ linh động của các nguyên tố vi lượng (Fe, Mn, Zn và Bo) giảm sẽ gây thiếu
hụt cho cây trồng. Theo Thái Phiên và Nguyễn Tử Siêm, (1999) trong
điều kiện pH thấp, nhôm di động cao và lân dễ tiêu trong đất sẽ bị cố định lớn.
Độ pH đất cũng ảnh hưởng lớn đến sự linh động (khả ngăng hữu dụng) của các chất
dinh dưỡng (NPK) cho cây trồng.

Bảng 1 pH và sự hữu dụng của các chất dinh
dưỡng NPK trong môi trường đất
Qua bảng 1 cho thấy nếu pH trong đất ở mức
4,5 bón 1kg đạm thì hiệu suất sử dụng phân bón của cây chỉ có 30%, bón 1kg lân
thì hiệu suất sử dụng phân bón của cây chỉ 23% và bón 1kg kali hiệu suất sử dụng
của cây chỉ 33%. Tương tự pH đất 5,0 thì bón 1kg đạm hiệu suất sử dụng của cây
là 53%, bón 1kg lân hiệu suất sử dụng của cây là 34% và bón 1kg kali hiệu suất
sử dụng của cây là 52%,… Khi pH trong môi trường đất ở mức 7,0 lúc này hiệu quả
sử dụng phân bón NPK của cây trồng là 100%.
Khi pH của môi trường vượt quá giới hạn
sinh lý (quá kiềm hay quá axít) thì mô rễ đặt biệt là lông hút bị tổn thương và
việc hút dinh dưỡng khoáng bị ức chế. pH cũng ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh vật
đất trong đó quan trọng là giun đất và vi sinh vật. Nói chung, đa số các vi
sinh vật có ích và giun đất điều thích hợp pH ở mức trung tính. Theo phân cấp của
Hội khoa học đất Việt Nam (2009), pH đất (≤ 4 rất chua; 4,1 – 5,0 chua; 5,1 –
6,0 ít chua; 6,1 – 6,5 gần trung tính; 6,6 – 7,0 trung tính; 7,1 – 7,5 kiềm ít
và 7,5 ˃ kiềm).
* Chất hữu cơ trong đất
- Hàm lượng chất hữu cơ
(OM, đơn vị tính %): là chỉ
tiêu quan trọng để đánh giá độ phì nhiêu và một số đặc tính lý hóa và sinh học của
đất (kết cấu, dung trọng, độ xốp, CEC, khả năng đệm của đất). Đất có hàm lượng
OM cao sẽ cung cấp tốt các chất dinh dưỡng cho cây trồng. Theo Carmen
Rivero và ctv (2004),
và Mando và ctv (2005),
hàm lượng OM trong đất thấp được xem là một trong các yếu tố liên
quan đến sự suy giảm độ phì nhiêu đất. Nông nghiệp thâm canh, không có sự cải tạo hợp chất OM để khôi phục
trữ lượng C hữu cơ trong đất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tính chất hóa học của đất gây ra những ảnh hưởng xấu đến mật độ, sinh khối vi sinh trong đất.
Theo Lê Văn Khoa và ctv (2000), chất hữu
cơ là chỉ tiêu số một về độ phì nhiêu đất. Chất hữu cơ là nguồn cung cấp chất
dinh dưỡng chính trong hệ sinh thái đất. Để nông nghiệp phát triển bền vững nhất
thiết phải giảm sự mất mát chất hữu cơ đất, nhất là đất vùng nhiệt đới. Theo
Nguyễn Thế Đặng và ctv (2008), chất hữu cơ là thành phần cơ bản kết hợp với các
sản phẩm phong hóa từ đá mẹ để tạo thành đất. Theo Đỗ Ánh (2002), chất mùn
trong đất là một nguồn dinh dưỡng có tương quan rất chặt chẽ với độ phì nhiêu đất,
nhất là trong điều kiện nhiệt đới ẩm của Việt Nam. Những thành tựu nghiên cứu về
chất mùn ở điều kiện nhiệt đới ẩm của (Castagnol, 1942; Fridland, 1958- 1964;
Duchaufour, 1968; Ngô Văn Phụ, 1970 – 1979; Nguyễn Tử Siêm, 1974 – 1979: trích
dẫn bởi Đỗ Ánh, 2003), đều cho rằng mùn trong đất ở Việt Nam rất quan trọng cho
việc tạo độ phì nhiêu đất. Viện nghiên cứu lúa quốc tế cho rằng hàm lượng chất
hữu cơ tối thích cho đất lúa nước là 4%. Nếu giảm 1% chất hữu cơ thì lân bị giữ
chặt trong đất tăng 50 mg/100g đất (Đỗ Ánh và ctv, 2000). Theo Charles A. Black
(1993), hàm lượng chất hữu cơ cao làm tăng độ ẩm đất, cải thiện cấu trúc đất,
tăng khả năng đệm của đất. Theo Jones và Jarvis (1981), Hargrove và Thomas
(1981), chất hữu cơ có khả năng tạo phức với kim loại. Chất hữu cơ có khả năng
tạo phức với Al3+ làm giảm Al hòa tan trong dung dịch, do đó làm giảm
khả năng gây độc của Al cho cây trồng. Theo Nguyễn Tử Siêm (1990), cà phê trên
đất đỏ bazan muốn có năng suất ổn định phải có tỉ lệ chất hữu cơ trong đất là
3,5%, trên đất đỏ vàng Acrisols phải có 2,5%. Theo phân cấp của Hội Khoa học Đất
Việt Nam, 2009 về hàm lượng OM (%) đất đồi núi (< 2,0 rất nghèo; 2,0 – 4,0
trung bình; > 4,0 giàu).
Tiếp đến
là các chỉ tiêu như: CEC (khả năng trao đổi cation trong dung dịch đất), đạm,
lân, kali, can xi, magie, lưu huỳnh, …
Các yếu
tố hạn chế trong đất như: Fe3+, Al3+, Mn2+,
Na+, Cl- và một số kim loại nặng (Hg, Cd và As) các nguyên tố này
thường ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây đặc biệt là rễ
cây trồng và tích luỹ ảnh hưởng đến an toàn của nông sản.
Về mặt
vật lý đất những chỉ tiêu như: tỉ trọng, thành phần cấp hạt trong đất thường do
nguồn gốc phát sinh của đất quyết định. Các chỉ tiêu như dung trọng, đô xốp, đồ
bền đoàn lạp trong nước có vai trò rất lớn trong đất. Đây là những chỉ tiêu
quan trọng trong đánh giá độ phì nhiêu đất, bởi vì các yếu tố vật lý chi phối
trực tiếp hoặc gián tiếp đến khả năng giữ nước, chất dinh dưỡng, chế độ không
khí và nhiệt giúp cho hệ sinh vật đất đặc biệt là giun đất và vi sinh vật sinh
sống, phát triển. Ngược lại chính hoạt động sống của sinh vật đất cũng tham gia
cải thiện tính chất vật lý đất. Ngoài ra còn có chế độ
nước, không khí, độ ẩm đất nhưng các chỉ tiêu này chịu ảnh hưởng lớn bởi dụng
trọng, độ xốp, đoàn lạp và hàm lượng chất hữu cơ trong nước.
Về mặt
sinh học: Các sinh vật sống trong đất đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của
các hệ sinh thái nói chung và hệ sinh thái đất nông nghiệp nói riêng. Chúng
tham gia vào chu trình sinh địa hóa các vật chất và duy trì chất lượng đất
(Mando và ctv, 2005), nếu thiếu chúng thì đất chỉ là những mẫu chất của sau
phong hóa lý, cơ và hóa học. Chúng bao gồm vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm, động vật
nguyên sinh, động vật thân mềm, động vật chân đốt và các sinh vật khác. Hệ sinh thái đất là một thể thống nhất bao gồm các nhóm sinh vật sống trong
đất, có quan hệ tương hỗ lẫn nhau dưới tác động của môi trường
sống, có sự trao đổi vật
chất và năng lượng. Trong quá trình canh tác, người nông dân
ít quan tâm đến tầm quan trọng của sinh vật đất, làm giảm số lượng của chúng do
sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng cao và hạn chế
việc bón phân hữu cơ (gây thiếu hụt C trong đất). Các hệ thống canh tác hiện
nay người ta quan tâm nhiều đến nguồn dinh dưỡng từ các chất hữu cơ và các hoạt
động sinh học phân hủy các hợp chất hữu cơ trong đất.
* Vi sinh vật
đóng
vai trò quan trọng
trong hệ sinh thái đất và chiếm đại
đa số
về
thành phần cũng như số lượng so với các sinh vật khác. Trong đó, vi khuẩn là nhóm chiếm ưu thế (92 – 94%); vi nấm
và xạ khuẩn chiếm tỉ lệ không đáng kể (Hội Khoa học Đất Việt
Nam, 2000). Khối lượng của vi sinh vật đất có thể lên tới hàng tấn, tham gia vào chu trình tuần
hoàn vật chất thông qua các hoạt động như mùn hóa và khoáng hóa chất hữu cơ. Đồng
thời, chuyển hóa các chất khoáng khó tiêu thành dễ tiêu, từ đó cải thiện độ phì
nhiêu của đất. Nếu biết được
hệ vi sinh vật trong đất thì có thể đánh giá được chất lượng của đất
trồng trọt đó. Hoạt động của hệ vi sinh vật đã làm cho đất trở thành một hệ thống
sống. Đặc biệt trong quần thể vi sinh vật nhóm vi sinh vật cố định đạm đã đóng
góp rất lớn trong quá trình hình thành độ phì nhiêu đạm cho đất. Nhờ vào hoạt động
chuyển hóa N2 của khí quyển thành NH3 cho đất, ước tính
hàng năm chúng cung cho đất khoảng 12 đến 600 kg N/ha/năm, tùy thuộc vào loại đất
và điều kiện khí hậu, thời tiết.

Hình
1.2 Vai trò của vi sinh vật trong chu trình tuần hoàn vật chất
* Giun
đất là thành phần chính của hệ sinh thái tự nhiên và nông nghiệp, thường chiếm
ưu thế trong sinh khối của động vật đất (Whalen và ctv, 1998). Theo Lê Huy Bá
(2007), giun đất cũng là một trong những sinh vật chỉ thị cho sức khỏe và độ
phì nhiêu của đất, do vậy sự phong phú về mật độ của quần thể giun đất là đại
diện cho sức khỏe của hệ sinh thái và mức độ an toàn về môi trường đất. Trong những
thập niên gần đây, giun đất đã được nghiên cứu sử dụng như đối tượng quan trắc
chất lượng môi trường đất bổ trợ cho phương pháp lý hóa mang lại hiệu quả cao.
Nếu xét về thành phần loài và số lượng thì giun đất là nhóm động vật không
xương sống có khả năng chỉ thị rất tốt cho chất lượng của môi trường đất, độ
phì nhiêu đất, nguồn gốc phát sinh và mức độ biến đổi của cảnh quan (Thái Trần
Bái, 1987); bởi giun đất đóng vai trò quan trọng trong việc cấu thành và duy
trì độ phì nhiêu của đất. Sự phong phú về mật độ và sinh khối của giun đất được
dùng để theo dõi các ảnh hưởng của việc canh tác, cấu trúc, cũng như sự biến đổi
môi trường đất. Sự gia tăng số lượng các loài giun đất là một dấu hiệu tốt cho
đất canh tác. Chính vì thế,
trong quá trình canh tác con người cần chú ý đến bảo vệ và phát triển giun đất
trên đồng ruộng.
Quá
trình hoạt động sống của giun đất (đào hang và tiêu hóa xác bã hữu cơ) đã tác động
rất lớn đến sinh thái môi trường đất. Hang của giun đất tăng cường nước xâm nhập
và sục khí trong đất. Những vùng đất "cày bừa" đường hang giun đất có
thể hấp thụ nước với tỉ lệ 4 – 10 lần so với các các vùng thiếu các đường hang.
Điều này làm giảm nước dòng chảy, giúp lưu trữ nước trong đất nhiều hơn cho mùa
khô, làm thông khí sâu hơn vào đất, kích thích chu kỳ dinh dưỡng của vi sinh vật
ở những tầng đất sâu hơn. Khi giun đất có mặt với số lượng lớn, hoạt động đào
hang của chúng có thể thay thế lượng lớn công làm đất. Giun đất ăn các chất hữu
cơ chưa hoai (xác bã thực vật) trên mặt đất chuyển hóa thành các chất hữu cơ dễ
tiêu giàu dinh dưỡng và đảo trộn đều trong lớp đất mặt. Hợp chất hữu cơ giàu
dinh dưỡng trong hang của giun đất có thể vẫn được dự trữ trong nhiều năm nếu
không bị tác động. Trong những đợt hạn hán kéo dài thì các hang này tạo điều kiện
cho rễ cây thâm nhập sâu vào nơi đất có độ ẩm cao. Phân giun không những mang một
số lượng lớn các khoáng chất dễ tiêu mà còn chứa các chủng vi sinh vật có ích
cho đất và cây trồng. Hàm lượng dinh dưỡng dễ tiêu trong phân giun cao hơn so với
đất. Giun đất cũng tiết ra một số chất kích thích tăng trưởng thực vật. Ngoài
ra, chất thải của giun còn làm cấu trúc đất tơi xốp, tăng đoàn lạp bền trong nước.
Cơ thể
giun đất có chứa 60 – 70% protein trọng lượng khô. Phân, nước tiểu hay cơ thể
sau khi chết sẽ cung cấp cho đất một lượng lớn N tổng số (Kate và ctv, 1994)
Ngoài vấn đề cải thiện tính chất đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây, giun đất còn
làm tăng sinh khối của nấm rễ mycorrhizae và điều này đã làm tăng hiệu quả sử dụng
phân lân của rễ cây trồng (Gormsen và ctv, 2004; Djunita và ctv, 2013).
Như vậy,
các yếu tố vật lý, hoá học và sinh học trong môi trường sinh thái đất luôn có mối
quan hệ tác động qua lại trong một hệ thống mở rất quan trọng trong quá trình
hình thành độ phì nhiêu đất.
* Môi
trường đất liên quan rất lớn đến môi trường nước và không khí, nếu trong quá
trình canh tác con người lạm dụng phân hoá học hay nông dược BVTV nhiều hay ảnh
hưởng của quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá làm cho môi trường đất bị ô
nhiễm sẽ ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nước và không khí, ngược lại khi môi trường
nước hay không khí bị ô nhiễm dẫn đến môi trường đất cũng sẽ bị ô nhiễm. Như vậy,
trong ba thể của môi trường rắn – lỏng – khí luôn có mối quan hệ mật thiết với
nhau trong quá trình tuần hoàn vật chất. Vì thế
việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào phương thức canh
tác như: canh tác hữu cơ, sinh học hay sinh thái giúp cho môi trường được bền vững
hơn.
Bền vững về năng suất và an toàn về chất lượng
là vấn đề rất quan trọng trong canh tác trồng trọt. Khi chúng ta canh tác quan
tâm đến bền vững về môi trường đất thì sẽ dẫn đến bền vững về năng suất và an
toàn về chất lượng. Bởi vì môi trường đất khoẻ giúp cho cây trồng sinh trưởng
phát triển tốt, cây khoẻ chống chịu được với những bất lợi của môi trường và
tăng sức đề kháng sâu bệnh. Do vậy sẽ hạn chế sử dụng phân hoá học và hoá chất
BVTV đồng thời năng suất cây trồng luôn được ổn định qua các mùa vụ cũng như chất
lượng nông sản luôn an toàn. Trong quá trình canh tác bền vững phải nhất thiết
sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ và các chế phẩm vi sinh vật hữu ích
đối kháng với nấm bệnh hại cây trồng và chuyển hoá các chất trong sinh thái môi
trường đất giúp môi trường đất được bền vững, gia tăng độ phì nhiêu đất.
Khi
môi trường đất bền vững đất khoẻ, cây khoẻ giúp tăng và ổn định năng suất dấn đến
thu nhập của người nông dân được tăng lên. Do đó, hiệu quả kinh tế của sản xuất
cao vì giảm chi phí sử dụng phân bón hoá học, hoá chất bảo vệ thực vật và giảm
công lao động dẫn đến thu nhập sẽ được tăng lên. Mặt khác, sức khoẻ người canh
tác và người tiêu dùng cũng được bảo vệ bền vững do hạn chế sử dụng các hoá chất
bảo vệ thực vật.
Như vậy, hình thức canh tác và áp dụng các tiến bộ
khoa học công nghệ cao thì mục tiêu cuối cùng của sản xuất nông nghiệp
luôn hướng đến là bền vững, trong đó quan trọng nhất là bền vững về môi trường
đất canh tác.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam